Triển khai mô hình, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sông Lô đã lựa chọn 2 hộ gia đình tại thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế tham gia mô hình và đảm bảo về số lượng đàn vật nuôi. Mỗi hộ chăn nuôi 05 lợn nái sinh sản/ 02 năm và 400 con gà thịt/ 02 năm.
Theo dõi mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản cho thấy, các cá thể lợn làm quen với môi trường mới dễ dàng; tình hình ăn uống, vận động ở trong chuồng tốt do thức ăn cũng không khác so với trước ở trại nuôi; vật nuôi ăn uống, vận động dưới tán rừng rất tốt vì nó là môi trường bán hoang dã, lợn vận động nhanh nhẹn. Tuy nhiên, do thời gian từ khi nhập chuồng đến nay chưa đủ để đánh giá về hiệu quả kinh tế của các cá thể lợn nái sinh sản được nuôi kết hợp dưới tán rừng, nên đối với mô hình này chỉ có thể đánh giá hiệu quả kinh tế sau khi kết thúc năm thứ 2 của đề tài.
Với mô hình nuôi gà dưới tán rừng, đặc điểm của gà thả vườn là sức đề kháng bệnh tốt, giỏi kiếm ăn, nên mặc dù tăng trọng lượng kém, thời gian nuôi kéo dài 3-4 tháng mới giết thịt được, đẻ trứng ít nhưng chi phí thức ăn và thuốc thú y cho một đơn vị sản phẩm lại thấp, cho nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, gà thả vườn còn có đặc điểm thường có lông màu, da vàng, chân mỏ vàng, thịt chắc và thơm ngon, trứng có lòng đỏ đậm nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Vì vậy, giá bán gà thả vườn luôn cao hơn giá bán gà công nghiệp từ 30-40%.
Ước tính về hiệu quả kinh tế, qua tổng hợp kết quả thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt dưới tán rừng cho thấy, gà ít bị nhiễm bệnh và cho tỷ lệ sống cao (96%). Tốc độ tăng trọng trung bình, sau 20 tuần tuổi gà đạt trọng lượng bình quân 1.95 kg/ con. Với quy mô chăn nuôi 400 con gà sau thời gian nuôi 20 tuần cho lợi nhuận trên 25 triệu đồng trên 02 hộ, thu lãi cao hơn so với gà nuôi thông thường là 11.232.000 đồng do gà nuôi dưới tán rừng có giá bán cao hơn.
Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt gia súc, gia cầm nuôi dưới tán rừng được xem là loại thực phẩm sạch, thơm ngon và bổ dưỡng, mặc dù được đưa vào thực đơn của các nhà hàng chưa lâu nhưng loại thịt đặc sản này đã nhanh chóng được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng và còn xuất đi các thị trường ngoài nước.
Đề tài được phê duyệt thực hiện 2 năm (2016 và 2017), tuy nhiên bước đầu đã có những kết quả khả quan. Để mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sông Lô đạt hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải chọn con giống tốt, đảm bảo được điều kiện chuồng trại với nguồn thức ăn tự nhiên; đồng thời, phải ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với mức giá ổn định để tránh những rủi ro về thị trường trong thời gian chăn nuôi.
Thu Thủy - Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc